Gây dựng thương hiệu snack nấm để bảo vệ môi trường

Khởi nghiệp từ nấm không phải là mới nhưng sự sáng tạo của Phan Kim Nhật Quỳnh (Bình Định), chủ nhân thương hiệu Anvies, là ở chỗ áp dụng công nghệ sấy với môi trường chân không để cho ra những sản phẩm snack nấm khác biệt.

Ý tưởng từ một lần nhập viện

Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm của trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, Phan Kim Nhật Quỳnh đã đầu quân cho một nhà máy sản xuất thực phẩm lớn ở Việt Nam.

Sau 6 năm làm việc, một ngày chị phải nhập viện vì lý do sức khỏe không tốt. Chính lúc đó, chị mới nhận ra sức khỏe của mình đã giảm rất nhiều do giờ giấc làm việc thay đổi theo ca và việc ăn uống không ổn định, lệch nhịp sinh học. Sau khi ra viện, chị Quỳnh trăn trở về những vấn đề liên quan đến thực phẩm, sức khỏe và môi trường sống.

Trong một lần về thăm quê, chị nhận thấy rơm ngoài đồng người dân đang đốt, bỏ đi sau khi thu hoạch lúa xong, gây ảnh hưởng đến môi trường. Điều này khiến chị trăn trở nhiều hơn: “Tại sao mình không làm gì đó cho môi trường xanh, sạch hơn, không tăng giá trị cho cây lúa giúp người nông dân?”. Sau nhiều ngày nghiên cứu, chị đã tìm đến với nấm bởi những lợi ích của chúng cho sức khỏe, đặc biệt là bảo vệ môi trường.

Để bắt đầu quá trình tìm hiểu về nấm, chị đã đi khắp các tỉnh từ Tiền Giang, Long An, Bến Tre đến Đồng Nai, Bình Thuận, thậm chí khi có thông tin về chuyến sang Trung Quốc học tập kinh nghiệm, chị đã bỏ hơn 40 triệu đồng tham dự để học hỏi.

Nghe bạn bè nói nơi nào có trang trại nấm sạch là chị đến tham quan và học hỏi mô hình. Sau các chuyến đi thực tế đó, chị khảo sát về đặc tính phát triển của các loại nấm thì thấy nấm rơm là lựa chọn thích hợp nhất với khí hậu ở Bình Định, vừa giải quyết được lượng rơm sau thu hoạch lúa.

.
Sản phẩm từ nấm của chị Quỳnh

Áp dụng công nghệ để sản phẩm vươn xa

Bắt đầu với việc trồng nấm, chị Quỳnh đã gặp rất nhiều khó khăn vì không có đất, số vốn hạn hẹp, trong khi trên thị trường lại có rất nhiều giống nấm. Để tạo ra giống chất lượng tốt thì khó tìm được kênh hỗ trợ, hầu như chỉ có thể mua qua những hộ gia đình làm giống không có chuyên ngành. “Do có kiến thức từ chuyên ngành công nghệ thực phẩm nên tôi hiểu quá trình làm ra sản phẩm. Nhưng còn kiến thức về thị trường, marketing, quảng bá sản phẩm thì tôi phải học hỏi rất nhiều”, chị Quỳnh cho biết.

Vượt qua những khó khăn bước đầu để tìm ra giống nấm thích hợp, chị tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm đầu ra từ nấm. Ý tưởng dùng công nghệ sấy với môi trường chân không để cho ra những sản phẩm snack nấm (nấm ăn liền) đã giúp chị thành công.

Dòng sản phẩm snack thương hiệu Anvies nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận bởi có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, chứa hàm lượng chất xơ và chất đạm cao hơn các loại snack khác có trên thị trường. Công nghệ sấy trong môi trường chân không hiện đại giúp cho cây nấm của Anvies đảm bảo màu sắc, hình dạng, dưỡng chất cùng hương vị thơm ngon tự nhiên.

Hiện nay, Anvies đã có mặt ở nhiều tỉnh/thành như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên, Đồng Nai, Bình Định… với doanh thu tăng đều hàng năm. Cơ sở sản xuất nấm Anvies của Phan Kim Nhật Quỳnh tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với mức lương 6-8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài sản phẩm nấm hương sấy giòn nguyên vị Anvies, thời gian tới, Anvies còn cho ra mắt sản phẩm nấm hương sấy giòn vị BBQ tỏi ớt, vị rong biển, nấm hương sấy ngũ vị…

Chủ nhân của thương hiệu Anvies mong muốn trong tương lai, sản phẩm nấm Anvies sẽ có mặt trên thị trường quốc tế, khẳng định được thương hiệu nông nghiệp của Việt Nam vì sức khỏe cộng đồng và thân thiện với môi trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *